Tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm y tế huyện Hòa Bình tập huấn giám sát, chăm sóc, điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 02/8/2022, Trung tâm y tế huyện Hòa Bình tổ chức tập huấn giám sát, chăm sóc, điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Dự lớp tập huấn có: Bác sĩ Tăng Phương Thanh - Phó Giám đốc, Trung tâm y tế; CN Ngô Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Trung tâm y tế; cùng cán bộ điều dưỡng các khoa Điều trị của Trung tâm y tế và Trạm y tế xã/thị trấn. Tổng số có hơn 60 người tham dự. 

Quang cảnh lớp tập huấn chăm sóc, điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Bệnh khởi phát giai đoạn đầu từ 1 – 5 ngày, có các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi… Giai đoạn phát bệnh, sau khi hạ sốt, xuất hiện phát ban, tiến triển nổi mụn nước, nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da, mụn mủ, đóng vảy, bong vảy, loét miệng rất thường gặp có thể xuất hiện viêm hầu họng, viêm kết mạc và viêm màng nhầy sinh dục… Điều trị tuyến huyện và xã các trường hợp nhẹ, không triệu chứng, cách ly tối thiểu 14 ngày, điều trị triệu chứng, điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp nặng. Phòng bệnh đậu mùa khỉ tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm vi rút .

Phòng ngừa  bệnh đậu mùa khỉ, hiện tại WHO không khuyến cáo việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, cho nên người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cơ bản như: Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật có nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là ở các khu vực có xuất hiện bệnh (kể cả động vật sống lẫn chết); chỉ ăn các loài động vật có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi; không tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh, kể cả các vật dụng hàng ngày của người bệnh cũng không tiếp xúc; cách ly nhanh chóng người bệnh và người nghi ngờ bệnh; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, nhất là khi tiếp xúc các bề mặt nơi công cộng.

Sau lớp tập huấn, các điều dưỡng Trung tâm y tế và Trạm y tế xã/thị trấn nắm vững các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ để phát hiện sớm, điều trị sớm và tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ cho người dân./.

Công Thanh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết